Cô gái vươn lên từ nỗi đau

Đã bao phen đôi bàn tay khòng khèo của cô bật máu khi cầm kéo… Nhưng với một bản lĩnh phi thường cô đã biến điều không thể thành có thể.

Số phận nghiệt ngã

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nguyễn Thu Hà đã không may mắn như chúng bạn cùng trang lứa. Cha cô đã từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và phải đến khi Hà được sinh ra, ông mới hay biết mình nhiễm chất độc da cam.

Hà là con út và bị di chứng nặng nhất so với ba anh chị của mình. Chính vì thế, cuộc sống của Hà gặp phải rất nhiều khó khăn: vệ sinh cá nhân, mặc quần áo và ngay cả ăn uống… cô đều không tự làm được. Để có thể duy trì được sự sống, mỗi tháng gia đình phải bỏ ra một khoản tiền từ 200.000 – 300.000 đồng mua thuốc cho cô. Số tiền này quả là không nhỏ so với mức thu nhập của gia đình nhà nông.

Thương bố mẹ già sức lực đang ngày càng cạn kiệt vì lo cho một bầy con tật nguyền, đã có lúc cô muốn giải thoát mình khỏi số phận nghiệt ngã. “Đừng sợ cuộc sống. Bạn hãy tin đời là đáng sống…” – câu nói đó được người bạn trai ở xã bên đã bao lần thì thầm cùng cô trong suốt tháng ngày thơ ấu dường như có sức mạnh nâng đỡ cô gượng dậy.

Nhờ sự giúp đỡ của người bạn này, năm 20 tuổi cô “trốn” gia đình lên phố huyện học nghề cắt tóc và trở về làng mở một cửa hiệu nho nhỏ. Cuộc sống đã dễ thở hơn, không những cô đã kiếm đủ tiền để thuốc thang cho bản thân mà còn phụ giúp thêm cho gia đình.

Biến nỗi đau thành… hạnh phúc

Tiếng lành đồn xa, cửa tiệm của Hà ngày càng làm ăn phát đạt. Nói là cửa tiệm nhưng thực ra nó chỉ giống như một túp lều nhỏ, ấy vậy mà khách hàng vẫn kéo đến ngày một đông. Họ đến cắt tóc vì khâm phục tài năng cũng như nghị lực của “bà chủ”.

Điều cô không ngờ là trong số những người hâm mộ đó lại có nhà tạo mẫu tóc xuất sắc Việt Nam 2002 – anh Minh Thanh. Vốn người cùng làng, anh thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hà. Anh đã giúp cô khá nhiều dụng cụ cắt tóc. Anh còn trang trí lại cửa tiệm và biến nó thành một salon tóc khá chuyên nghiệp.

Nhưng truyền nghề tạo mẫu tóc nữ cho Hà, điều cô vẫn ao ước thì khiến anh ái ngại vô cùng. Đôi bàn tay tật nguyền của Hà mà cầm được cây kéo để cắt tóc nam đã là quá sức tưởng tượng của anh rồi, huống chi việc tạo mẫu tóc nữ lại là cả một chặng đường dài đầy khó nhọc.

Đã bao phen đôi bàn tay khòng khèo của cô bật máu khi cầm kéo… Nhưng với một bản lĩnh phi thường cô đã biến điều không thể thành có thể. Hà còn đưa người thầy của mình đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác: cầm kéo và dùng lược thành thạo, chuyên nghiệp.

Trung bình mỗi ngày cô cắt được vài chục kiểu tóc. Một con số quả là đáng nể so với nhiều tiệm cắt tóc nghệ thuật ở vùng nông thôn. Không chỉ là người thợ thạo nghề mà Hà còn rất giỏi trong việc truyền nghề. Rất nhiều người được cô hướng dẫn đã thành tài và giờ đây có thể tự đứng tiệm. Nói về cô giáo “đặc biệt” của mình, cô thợ học việc Nguyễn Thị Dịu đã không giấu nổi cảm xúc: “Điều đầu tiên chúng em học được từ chị Hà đó là tinh thần vượt khó”.

Hà có một mối tình đầu thật đẹp. Người yêu của cô chính là chàng trai đã giúp cô vượt lên số phận. Học với nhau từ thuở còn ấu thơ, hai người đã là một đôi bạn tri kỷ. Chỉ những hàng cây bên con đường làng ven sông Đào thơ mộng mới được chứng kiến mối tình sâu đậm, thầm kín của họ. Một mối tình lãng mạn mà Hà không dám đi tới. Cô đau đớn chối từ và không ngờ đó là ngày cô đã mất anh vĩnh viễn. Anh đã rời xa cô vì một căn bệnh hiểm nghèo đến bất ngờ…

Và như để tưởng nhớ anh, người đã giúp cô vượt lên số phận nghiệt ngã, cô mong muốn mang “sức mạnh” của anh truyền tới những người có cùng cảnh ngộ giống mình. Cô và một số người bạn trong huyện đã lập nên một câu lạc bộ mang tên là “Tự lập”.

Đây là nơi giao lưu, giúp đỡ và chia sẻ những mất mát của những người tàn tật giúp họ hoà nhập hơn với cuộc sống cộng đồng. Chính câu lạc bộ này đã làm cho hạnh phúc của Hà trọn vẹn.

Theo Tiền Phong

This entry was posted in Sưu tầm and tagged , , , , , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>