20 lý do khiến chúng ta không thành công

“Hạn chế duy nhất cản trở hành động của chúng ta là chính là sự ngờ vực”
-Franklin D. Roosevelt

Nếu chúng ta vừa lái xe vừa giữ phanh thì kết quả sẽ thế nào? Chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được tốc độ tối đa. Đây chưa kể là xe sẽ bị nóng máy và mau hỏng vì lực cản của phanh khi ấy ảnh hưởng không tốt cho động cơ. 

Trong cuộc sống nhiều người trong chúng ta thường đạp phanh giống như vậy. “Phanh” ở đây có thể là những nhân tố ngăn cản thành công như sợ hãi, chần chừ, thiếu tự tin về thành tích đạt được,… Cách nhả phanh cảm xúc tốt nhất là xây dựng thái độ tích cực, biết nhìn nhận về bản thân qua việc gánh vác trách nhiệm. 

Sau đây là 20 nhân tố khiến bạn dễ thất bại. Biết nỗ lực khắc phục chúng, bạn mới có thể loại bỏ những chiếc phanh đang kìm hãm bạn thành công. 

1. Không sẵn lòng mạo hiểm 

Thành công buộc phải mạo hiểm có tính toán. Mạo hiểm không có nghĩa là đánh bạc một cách ngu ngốc và hành xử vô trách nhiệm. Người ta đôi khi vẫn hiểu nhầm hành vi vô trách nhiệm và cẩu thả là mạo hiểm. Điều này dẫn đến những kết quả tiêu cực hoặc thói quen đổ lỗi rằng mình xui xẻo. 

Mạo hiểm mang ý nghĩa tương đối. Mỗi người có cách hiểu khác nhau về rủi ro và điều đó phản ánh quá trình rèn luyện của họ. Ai cũng cho rằng leo núi là môn thể thao mạo hiểm, nhưng với người có tập luyện trước, đó không phải là sự mạo hiểm thiếu chuẩn bị. Mạo hiểm có chuẩn bị là mạo hiểm dựa trên nền tảng kiến thức, rèn luyện, nghiên cứu cẩn thận, lòng tự tin và năng lực, đó là các nhân tố giúp chúng ta hành động khi đối mặt với sợ hãi. Người không bao giờ thử bất cứ chuyện mạo hiểm nào thì chắc chắn không bao giờ phạm lỗi. Tuy nhiên, không dám mạo hiểm thường lại là sai lầm lớn hơn cả việc thử và bị thất bại

“Người ta thành anh hùng không phải vì họ can đảm hơn kẻ khác, mà vì họ can đảm thêm được mười phút.” 

-Ralph Waldo Emerson

2. Thiếu kiên trì 

Trong đời, mỗi người chúng ta đều có những lúc phải trải qua những cú giật lùi, nhưng vấp ngã không có nghĩa chúng ta thành người thất bại. Nhưng người chiến thắng là người có thể bị đánh ngã mà không bị hủy diệt. 

Kiên trì và bảo thủ khác nhau thế nào? Kiên trì là quyết tâm theo đuổi điều gì đó đến cùng, dù có gặp khó khăn. Còn bảo thủ là cố giữ lấy cái cũ, cái hạn chế, không chịu đổi mới. 

Hầu hết người ta thất bại không phải vì họ thiếu kiến thức hay tài năng mà vì họ bỏ cuộc. Bí quyết thành công đơn giản nằm ở hai yếu tố: kiên trì và tự chủKiên trì trong công việc cần phải làm và tự chủ, tránh những việc không nên làm. 

3. Đốt cháy giai đoạn 

Khao khát cháy bỏng kiếm được bạc triệu của bao người đã giúp ngành kinh doanh vé số vớ bở. Ngày nay, con người có xu hướng muốn được thứ mình mong muốn một cách nhanh nhất. Cũng vì thế mà không ít người đã tìm đến những con đường tắt và bỏ qua sự liêm chính của mình. 

Khi mưu cầu lợi ích chóng vánh, người ta không bao giờ nghĩ tới hậu quả mà chỉ tập trung vào thú vui chốc lát. Ngoài ra, khi chỉ biết nghĩ đến những mục tiêu ngắn hạn thay vì lâu dài, tầm nhìn của người ta sẽ bị hạn chế. Một khi tầm nhìn bị giới hạn, họ sẽ không bao giờ thấy mục tiêu nào xứng đáng cả. 

4. Thiếu ưu tiên trong cuộc sống 

Người ta thường có những sự thay thế “rất không nên”. Ví dụ, trong các mối quan hệ, họ đổi chác tiền bạc, quà tặng để lấy tình cảm và thời gian. Nhiều người thường lấy việc mua quà cho con cái, người thân để bù đắp lại thời gian mình vắng mặt hơn là dành thời gian bên họ. 

Khi không biết đặt ra ưu tiên một cách thích hợp, chúng ta sẽ vô tình lãng phí thời gian, mà lãng phí thời gian chính là lãng phí cuộc sống. Xác lập ưu tiên buộc phải có tính kỷ luật để thực hiện những việc cần làm thay vì làm việc tùy theo tâm trạng và ý thích nhất thời. 

Một trong những bí quyết chinh phục thành công là hiểu được những ưu tiên của mình. Chẳng hạn, có người lưu tâm chuyện tiền bạc, lại có người lưu tâm chuyện quyền lực, danh tiếng, hoặc tài sản. Nói chung chúng ta phải biết mình cần ưu tiên cho việc gì trong cuộc sống. 

Thành công không đến bằng cách đọc và thuộc lòng những quy tắc dẫn đến thành công, mà từ sự hiểu biết và thiết lập ưu tiên thích hợp nhằm vận dụng các nguyên tắc ấy. 

5. Tìm lối tắt 

Trong cuộc sống, nhiều khi ta cố tìm cách đạt được kết quả theo cách dễ dàng nhất, nhưng rút cuộc kết quả nhận được lại thật thê thảm.

Không có gì là miễn phí 

Nhà vua nọ triệu tập các quan đại thần, yêu cầu họ viết sách lưu trữ trí thức thông tuệ truyền lại cho hậu thế. Sau khi bỏ ra nhiều công sức, các quan đại thần mang đến một lượng sách lớn trình nhà vua. Nhà vua cho rằng tài liệu ấy quá dài, dân chúng không thể nào đọc hết được, họ phải viết cô đọng hơn. Các quan lại quay về biên soạn và kết quả chỉ trình lên vua một tập sách. Vua vẫn chê dài, họ lại cố gắng rút ngắn chỉ còn một chương. Vẫn bị chê dài dòng, nên họ viết gọn chỉ còn một trang, nhưng kết quả nhà vua vẫn không hài lòng. Cuối cùng, các vị quan này tóm gọn lại chỉ còn một câu, nhà vua mới thực sự ưng ý. Ngài phán nếu chỉ có duy nhất một chân lý tri thức nhằm truyền lại cho thế hệ tương lai, thì đó phải là câu:

“Không có gì là miễn phí”. 

“Không có gì là miễn phí” nghĩa là chúng ta sẽ phải trả giá cho bất kỳ điều gì mình đạt được. Nói cách khác, ta nhận lại cái mình đã bỏ ra. Nếu không đầu tư nhiều vào việc mình làm, kết quả ta nhận được cũng chẳng đáng bao nhiêu. 

Hậu quả của sự lười biếng 

Một chú chim chiền chiện đang hót véo von trong rừng, thấy người nông dân đi ngang qua với hộp giun đặt trong tay, chú bảo: “Anh đựng gì trong hộp vậy? Anh đang định đi đâu?”. Anh nông dân bảo ra chợ đổi giun lấy lông vũ. Chim bảo: “Tôi có nhiều lông đây này, để tôi nhổ một cái cho anh và tôi đỡ phải mất công tìm giun”. Người nông dân đưa hộp giun cho nó, đáp lại con chim nhổ một sợi lông đưa cho anh. Hôm sau mọi chuyện cũng xảy ra tương tự và cứ thế cho đến lúc con chim chiền chiện không còn sợi lông nào nữa. Giờ nó cũng không thể bay đi tìm mồi. Nó bắt đầu tàn tạ, không hót nữa và chẳng bao lâu sau thì chết. 

Trong cuộc sống, nhiều khi ta cố tìm cách đạt được kết quả theo cách dễ dàng nhất, nhưng rút cuộc kết quả nhận được lại thật thê thảm. 

Giải pháp chóng vánh thường đưa đến sự thất bại 

Để loại bỏ cỏ dại trong vườn, có hai cách: hoặc chạy máy cắt cỏ (dễ làm), sân vườn trông sẽ đẹp được một thời gian, nhưng chẳng bao lâu cỏ dại sẽ mọc lại như cũ; Hoặc ngồi xổm nhổ tận gốc từng cây cỏ. Cách này tốn thời gian và công sức hơn, nhưng sẽ tránh cỏ dại được lâu hơn. 

Tương tự, thái độ sống của chúng ta cũng vậy. Không ít người tìm kiếm giải pháp trong tích tắc cho mọi chuyện. Họ dùng mì ăn liền và cũng muốn hạnh phúc lập tức có sẵn như vậy. Nhưng, thái độ này chỉ đưa đến những thất vọng mà thôi.

(Còn nữa)

Trích Bí quyết của người chiến thắng – Shiv Khera

Nguồn: Kỹ  năng sống

This entry was posted in Tủ sách and tagged , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>