Sự tích “Tụ bảo tồn”

Thế gian vạn sự đều có quy luật, muốn có được ắt phải mất đi.

Hình: Internet

Có rất nhiều truyền thuyết rất khác nhau kể về “tụ bảo bồn” (chậu thu gom bảo vật), trong đó có một câu chuyện như thế này:

Xưa có chàng trai vô cùng ngốc nghếch thật thà, bởi nhà quá nghèo nên phải đi nhặt phân trâu cho những người có ruộng đất để đổi lấy khoai lang sống qua ngày. Cũng bởi tính tình đã ngốc lại còn làm công việc bẩn thỉu nên ai cũng khinh thường gọi chàng là “Ngốc phân trâu”.

Một ngày nọ Ngốc ở ngoài ruộng nghỉ trưa nhìn thấy một con khỉ nhỏ bị chó dữ đuổi cắn, chàng động lòng nên xua chó đi để cứu con khỉ. Nhưng con chó ấy là của chủ ruộng nuôi, ông ta tức giận đánh cho chàng một trận và đuổi về không cho làm việc nữa.

Ngốc bị mất việc làm nên từ nay không có cách gì để nuôi bản thân và lo cho mẹ già, trong lòng hết sức phiền não.

Con khỉ nhỏ mà chàng cứu dường như có linh tính, cứ ra hiệu gọi chàng theo nó vào rừng. Ngốc nghe lời đi theo. Đến một khoảnh đất trong rừng, con khỉ dừng lại, ra hiệu kêu Ngốc đào lên. Ngốc không có cuốc xẻng nên phải dùng tay bới, đến khi hai tay đều rướm máu mới thấy trong đất có chôn một cái chậu bằng đất. Ngốc hiểu là con khỉ muốn trả ơn nên tặng cho mình vật này, chàng liền cảm tạ nó và mang chậu về.

Bởi hoa văn trên chậu đẹp đẽ, Ngốc thấy thích thú nên dùng nó đựng khoai lang. Khoai lang trong nhà vốn chỉ còn vài củ, không ngờ bỏ vào chậu chưa bao lâu liền đầy ắp lên. Ngốc vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, hễ lấy khoai ra, chỉ cần còn chừa lại một củ trong chậu, sau khoảng thời gian không đầy uống tách trà là chậu lại đầy ắp khoai.

Ngốc không hiểu cái chậu này chính là báu vật “tụ bảo bồn”, chỉ mừng rỡ reo lên rằng từ nay đã có khoai ăn, mình và mẹ không còn sợ đói nữa.

Ngày này qua ngày khác, Ngốc sở hữu báu vật trong tay mà không biết sử dụng, chỉ dùng để lấy khoai ăn. Ngày nọ mẹ Ngốc mệt mỏi, than rằng muốn ăn một chén cơm. Ngốc hết sức hoang mang vì không biết làm sao để có cơm cho mẹ ăn, bởi Ngốc làm gì có tiền mua gạo?

Chàng đi khắp làng, gặp ai cũng mượn một chén gạo để về nấu cơm cho mẹ. Nhưng người trong làng đều khinh khi chàng, không ai tỏ ý muốn giúp đỡ. Có kẻ đùa cợt rằng: “Kẻ nghèo xơ xác như ngươi, mượn một chén gạo cũng không trả nổi. Nếu ngươi chỉ xin vài hạt thì ta còn có thể bố thí cho”.

Ngốc nghĩ vài hạt thì làm sao mà đủ nấu cơm? Nhưng rồi chàng chợt nhớ tới cái chậu đựng khoai, không chừng cũng có thể làm cho đầy gạo, nên kêu lên: “Vài hạt tôi cũng lấy”.

Người kia không coi chàng ra gì, ném một nắm gạo vào bầy gà, cười nói: “Ngươi đi mà giành với mấy con gà đó”.

Ngốc không nghĩ ngợi gì, chạy tới chỗ bầy gà, rốt cuộc cũng nhặt được mấy hạt gạo, chàng mừng rỡ cảm tạ rồi mang gạo về bỏ vào chậu quý. Quả nhiên không lâu sau trong chậu liền đầy ắp gạo, có thể nấu đủ đến mấy nồi cơm. Nhờ vậy hai mẹ con Ngốc đã có cơm ăn, không cần phải ăn khoai nữa.

Một hôm Ngốc rầu rĩ vì từ ngày bị ông chủ ruộng đuổi tới giờ mình vẫn chưa có việc làm, mẹ Ngốc suy nghĩ một hồi, bày cho chàng nghề bán gạo. Bởi gạo trong chậu hết rồi lại sinh ra, Ngốc nhanh chóng có được một bao lớn, có thể mang đi bán.

Từ đó Ngốc sống bằng nghề bán gạo. Gạo này không vốn nên Ngốc bán giá thấp hơn rất nhiều so với các tiệm gạo trong làng, mọi người kéo đến mua mỗi ngày một đông.

Người ta nói “mười người buôn bán chín kẻ gian”, tuy câu này không phải tuyệt đối đúng, nhưng đã phản ánh một vấn đề là người ta biết buôn bán rồi thì sẽ học được trí khôn, biết cách toan tính cái này cái kia. Trường hợp của Ngốc cũng vậy, chẳng bao lâu sau chàng không còn “ngốc” nữa, việc buôn bán đã làm chàng trở nên “thông minh”. Chàng học được cách kinh doanh, cách luồn lách trên thương trường, cách tranh thủ thời cơ để chiếm tiện nghi của người khác,… số tiền kiếm được càng ngày càng nhiều.

Đến một lúc mua được mấy thỏi vàng, Ngốc chợt nhận ra mình chẳng cần phải làm gì thêm nữa, cứ thả vàng vào chậu quý là xong!

Quả nhiên vàng nhanh chóng đầy ắp. Ngốc mua được nhà lớn, ruộng vườn, đất đai, thuê được gia nhân, người hầu kẻ hạ, không thiếu thứ gì. Chàng “Ngốc phân trâu” ngày nào đã trở thành một viên ngoại giàu có nhất vùng, ai nhìn thấy cũng cúi đầu kinh sợ, còn ai dám gọi chàng bằng cái tên thấp kém ngày xưa nữa?

Giàu có rồi, nghĩ lại chuyện ngày xưa, Ngốc tức giận ghê gớm lắm! Ngày đó Ngốc là kẻ khờ khạo, nhưng cũng bởi vậy nên lòng khoan dung rất lớn, ai nói gì làm gì cũng không bao giờ để bụng, còn cúi đầu cảm ơn họ. Nhưng hôm nay, lăn lộn trên thương trường, của cải chất đầy nhà, Ngốc đã quá thông minh, chàng tự nhiên hiểu rằng những người kia ngày trước đối với mình thật không ra gì, chàng muốn trả đũa.

Ngốc tìm cách đoạt lấy tất cả ruộng vườn của người chủ ruộng ngày xưa đã đánh mình, đuổi ông ta đến sống ở một cái chòi rách. Ngốc lại khiến người từng vứt nắm gạo vào đàn gà cho mình nhặt phải đi ăn xin, và bắt ông ta phải nhặt những hạt cơm mà mình đã hất đi. Ngốc còn làm rất nhiều chuyện tồi tệ khác, cũng chỉ muốn cho những người từng khinh khi mình phải trả giá.

Tuy nhiên Ngốc càng làm nhiều càng không thấy hả hê gì, trong lòng như đã đánh mất đi điều gì đó, nhưng là gì thì không nói rõ được. Mẹ của Ngốc càng buồn bã hơn, kể từ khi con trai mình trở nên giàu có, bà bỗng ít nói ít cười, suốt ngày ủ dột.

Ngốc cho rằng mẹ bị bệnh, nhưng mời các danh y đến thì họ đều xua tay lắc đầu, nói rằng bà không có bệnh. Đến lúc thấy mẹ tiều tụy đi quá nhiều, Ngốc mới gặng hỏi mẹ vì sao lại như vậy?

Mẹ Ngốc bấy giờ mới đáp rằng: “Con đã thay đổi rồi, không còn là con trai của mẹ nữa, nên mẹ đau lòng”.

Ngốc im lặng, bắt đầu suy nghĩ. Chàng nhớ lại trước đây mình tuy nghèo nhưng lại rất vô tư vui vẻ, bây giờ giàu rồi trong lòng lại đầy toan tính thành ra không lúc nào thảnh thơi. Nhưng nguyên nhân không phải vì có tiền hay không có tiền, chàng nhận ra là vì mình thông minh quá, hàng ngày nếu không phải tìm cách cho bản thân đừng chịu thiệt thòi thì cũng là suy nghĩ biện pháp để trả thù xưa. Chàng hiểu rằng mình đã đánh mất bản tính vốn có, có lẽ đây là sự “thay đổi” mà mẹ đã nói chăng?

Ngốc tự hỏi nguyên nhân làm mình trở nên như vậy là gì? Chàng đưa mắt nhìn cái chậu quý – tụ bảo bồn, mà chàng vẫn đang giữ kín, chàng cầm nó lên và ném mạnh xuống sàn nhà! Chiếc chậu vỡ tan, nhưng Ngốc không thấy tiếc, trái lại cảm thấy gánh nặng trong lòng dường như đã được trút bỏ.

Ngốc chợt nghĩ tới, nếu không có người chủ ruộng thả chó cắn con khỉ thì mình sẽ không có tụ bảo bồn, nếu không có người ném gạo cho gà ăn thì mình cũng không có gạo để kinh doanh, tại sao mình lại oán hận họ?

Ngốc mang tất cả tài sản bất nghĩa chiếm đoạt được của người khác trả lại chủ cũ, lại dùng tiền của mình để làm các việc Thiện, cuối cùng trở lại thành kẻ nghèo xác xơ như xưa. Nhưng chàng lại cảm thấy bản thân thật thoải mái, không vướng bận gì cả, mẹ chàng cũng không còn buồn nữa, điều này thì sự giàu có không mang lại được.

Tuy Ngốc trở lại thành người nghèo, nhưng ba chữ “Ngốc phân trâu” không ai nhắc tới nữa. Người trong làng đều chịu ơn của chàng, họ rất cảm kích và tôn trọng chàng, họ cũng lần lượt tới tạ lỗi với chàng về những hành vi không tốt khi xưa. Ngốc được gọi là “Đại Thiện Nhân”. ☘️

Nguồn: Tinh Hoa

This entry was posted in Sưu tầm and tagged , , , , , , , , , , , , , , , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>