Vẽ nguệch ngoạc có giúp cải thiện trí nhớ và năng lực tập trung hay không?

Rất nhiều tuyên bố đã được dựng lên để chứng tỏ sức mạnh của việc vẽ nguệch ngoạc: từ chuyện đó là một hoạt động giải trí hoặc thư giãn, cho tới chuyện nó hỗ trợ cho tính sáng tạo, hay thậm chí cả chuyện bạn có thể đoán được tính cách một người thông qua những nét vẽ nguệch ngoạc của họ.

Ý tưởng cho rằng vẽ nguệch ngoạc giúp mở ra cửa sổ tâm hồn có lẽ là một ý tưởng sai lầm. Theo trực giác thì có vẻ hấp dẫn nhưng nó lại rơi vào phạm trù bói toán dựa trên nét chữ: đó là một môn cận-khoa-học (pseudoscience) (các nhà tâm lí học đã phát hiện ra rằng không có bất kì một mối liên hệ nào giữa tính cách và nét chữ viết tay).

Dù biết việc cố gắng diễn giải một bức vẽ nguệch ngoạc là lãng phí thời gian, song có thể nào bản thân hành động vẽ nguệch ngoạc lại là một thói quen có ích cho trí nhớ lẫn sự tập trung trong một số trường hợp hay không?

Để kiểm tra điều này, giáo sư Jackie Andrade thuộc trường University of Plymouth đã bố trí cho 40 người tình nguyện lắng nghe một cuộc điện thoại mô phỏng một bữa tiệc sắp diễn ra qua máy tự động trả lời điện thoại (Andrade, 2009). Những người tình nguyện được yêu cầu lắng nghe và viết ra tên những người có thể tham dự bữa tiệc, và bỏ qua những người không tham dự.

Điều quan trọng ở đây là những người tình nguyện cảm thấy khá chán nản. Họ phải hoàn tất thêm một cuộc nghiên cứu nhàm chán nữa, trong một căn phòng buồn chán, giọng nói trong cuộc điện thoại thì cứ đều đều. Câu hỏi đặt ra là: dù nhiệm vụ này tương đối đơn giản nhưng liệu họ có thể tập trung đủ lâu để viết cho đúng những cái tên hay không?

Đây là thủ thuật của cuộc thử nghiệm. Một nửa số người tình nguyện được yêu cầu tô kín những ô nhỏ hình vuông và hình tròn trên một mảnh giấy trong khi viết ra những cái tên. Nửa còn lại chỉ cần lắng nghe và viết ra những cái tên mà thôi.

Những người vẽ nguệch ngoạc hồi tưởng tốt hơn 30%

Nhìn vào kết quả là thấy được những lợi ích của việc vẽ nguệch ngoạc ngay lập tức. Những người không vẽ nguệch ngoạc viết ra được khoảng 7 trong số 8 cái tên đúng. Còn những người vẽ nguệch ngoạc thì viết ra được hầu như tất cả 8 cái tên.

Không những giúp tăng cường sự tập trung, việc vẽ nguệch ngoạc còn giúp ích cho trí nhớ. Những người tình nguyện bất ngờ được kiểm tra trí nhớ, đặc biệt sau khi được cho biết rằng họ không cần phải nhớ gì cả. Một lần nữa những người vẽ nguệch ngoạc có thể hồi tưởng tốt hơn, hơn gần 30%.

Vậy nếu bạn có bị kẹt trong một cuộc họp nhàm chán hoặc có ai đó cứ mải mê lải nhải với bạn những điều vô vị, thì việc vẽ nguệch ngoạc có thể giúp bạn duy trì đủ sức tập trung để nhận ra được những chi tiết nổi bật.

Tâm trí tạm ngừng

Nhưng tại sao lại như vậy? Chúng ta không thể rút ra được gì từ nghiên cứu này nhưng những suy đoán của Andrade cho rằng vẽ nguệch ngoạc có thể giúp chúng ta tập trung, vì nó khiến tâm trí tạm ngừng xao lãng bởi những việc không dính líu gì tới nhiệm vụ chính (trong trường hợp này) là lắng nghe.

Khi làm điều gì nhàm chán hoặc đơn giản, tâm trí người ta thường hay xao lãng. Chúng ta có thể suy nghĩ về những kế hoạch cuối tuần, về cú trượt té đáng xấu hổ trên đường khi nãy, hoặc nên ăn gì bữa khuya.

Có lẽ việc vẽ nguệch ngoạc giúp duy trì sự kết nối hiệu quả với những giờ phút chúng ta tập trung vào những mảnh thông tin đơn giản. Việc này cũng giống như hành động giữ cho xe tạm ngừng hơn là tắt máy xe. Khi tâm trí tạm ngừng, chúng ta vẫn duy trì sự tập trung vào những gì quanh mình hơn là lo ra hoàn toàn.

Đương nhiên vẽ nguệch ngoạc không phải là điều bạn muốn làm khi đang chú tâm vào một công việc phức tạp, nhưng nó có thể giúp duy trì đủ sức tập trung suốt thời gian bạn thực hiện một công việc nhàm chán và đơn giản, công việc mà đáng ra bạn có thể hoàn thành tốt hơn.

Nghiên cứu về việc vẽ nguệch ngoạc nghe có vẻ không mấy quan trọng nhưng lại rất lôi cuốn, vì nó mở ra cho chúng ta nhiều khía cạnh của tâm lí con người, bao gồm sự xao lãng tâm trí, sự lo ra hoàn toàn, sự chú tâm, và bản chất của sự buồn chán. Hơn nữa đó còn là một ý tưởng hay, cho rằng hành động vẽ nguệch ngoạc còn có một mục đích cao hơn, chứ không chỉ đơn thuần là sự tiêu phí thời gian và giấy mực.

K.H. chuyển ngữ
2013.01.27

Nguồn: spring.org.uk

This entry was posted in Sưu tầm and tagged , , , , , , , , , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>