Góc cảm nhận

Nơi chia sẻ của khách hàng - những người bạn đã đồng hành và sử dụng sản phẩm của Khai Phá Bản Thân

Xem thêm

Kết nối

Phát huy tối đa năng lực bản thân

“Người Hy Lạp cổ xưa đã định nghĩa về hạnh phúc, đó là: hãy phát huy tối đa khả năng của bản thân, để vươn tới tầm xuất sắc.”

John F. Kennedy

Cậu bé Elon Graham mười bốn tuổi, sống cùng với mẹ ở Berkeley, bang California, Mỹ. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã tỏ ra không thích những món thức ăn nhanh mà mẹ cậu thường mua về. Khi mới bốn tuổi, cậu đã đòi mẹ phải nấu những bữa ăn có rau cải xanh; và khi lên bảy tuổi, cậu đã luôn cùng mẹ làm món rau xà lách trộn dầu giấm để cả nhà dùng vào bữa tối.

Mới đây, cậu bé đã nảy ra ý tưởng viết sách nấu ăn dành cho thiếu nhi. Cậu đã mày mò thử nấu đủ các món ăn khác nhau, và mẹ cậu thì đứng bên cạnh để ghi lại các công thức chế biến của cậu. Mới mười bốn tuổi, cậu đã bán được những cuốn sách viết về ẩm thực, chế biến món ăn, vì cậu mong muốn rằng, những bạn thiếu nhi khác cũng sẽ học được cách tự nấu những món ăn đơn giản ngay từ nhỏ.

Tôi biết Elon qua một bài giới thiệu ngắn gọn về em trên tờ báo địa phương San Francisco. Elon ước mơ sau này mình sẽ trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Chẳng phải thừa hưởng tài năng nấu bếp của bà hay mẹ, chính cậu bé với niềm say mê và quyết tâm đã sớm đặt ra cho bản thân một mục tiêu lớn trong cuộc đời để theo đuổi. Elon là một ví dụ sinh động cho chúng ta thấy cách làm thế nào để đóng góp khả năng của mình vào cuộc đời. Cậu bé đã rất may mắn khi tự phát hiện ra khả năng và niềm say mê của bản thân từ khi còn rất trẻ và đã được gia đình hết lòng khuyến khích, ủng hộ. Với một xuất phát điểm tốt đẹp như thế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng rằng, cậu bé sẽ còn tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả mỹ mãn trong sự nghiệp của mình.

Những thiên tài toán học hay âm nhạc là những người có năng khiếu thiên bẩm mà ai cũng phải thừa nhận. Tuy nhiên, mỗi chúng ta lại không hề biết nhận ra những khả năng tiềm ẩn bên trong bản thân – mà bất kỳ ai cũng có: khả năng phân biệt điều thiện – ác, đúng – sai, khả năng thấu hiểu, yêu thương, cảm thông, động viên người khác…

Viện nghiên cứu thăm dò dư luận của Mỹ – Gallup, đã tiến hành một nghiên cứu về khả năng của con người, trên cơ sở lựa chọn ngẫu nhiên hai triệu người trên khắp thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mỗi người trong chúng ta có ít nhất từ năm đến sáu khả năng khác nhau, và nếu chúng ta biết nhận ra và phát huy chúng, thì chúng ta sẽ thành công hơn trong cuộc sống rất nhiều. Càng biết phát huy tối đa những khả năng của mình, chúng ta càng cảm nhận được sự mãn nguyện, hạnh phúc trong cuộc sống.

Nữ nhà văn viết truyện ngắn Flannery OConnor là một người đã chiến đấu không mệt mỏi với bệnh tật để hoàn tất những tác phẩm mà mình mơ ước. Cô mất khi mới 35 tuổi. Sinh thời, khi độc giả hỏi vì sao cô có thể viết được trong khi phải chống chọi với bệnh tật như vậy? Cô trả lời rằng: “Vì tôi yêu công việc của mình. Tôi biết tôi có khả năng viết truyện và tôi cố gắng phát huy nó trong từng giây phút của cuộc đời mình”. Bạn thấy không? Khi chúng ta biết cách phát huy tối đa khả năng của bản thân, chúng ta sẽ có cảm giác giống như một con ngựa đang phóng trên đường đua, có thể chạy nhanh hết mức có thể! Hơn thế nữa, khi biết phát huy tối đa khả năng của bản thân, chúng ta sẽ luôn cảm nhận niềm vui được sống, được cống hiến và vượt qua được nhiều thử thách khác, kể cả bệnh tật, như Flannery OConnor.

Chúng ta sẽ cảm nhận hạnh phúc trong bất cứ khoảnh khắc nào, một khi chúng ta ý thức được rằng mình đang nỗ lực phát huy tối đa khả năng. Sống như vậy thật là thú vị, như cậu bé Elon đã cảm nhận được điều đó khi cậu nấu ăn và thưởng thức các món ăn. Thế nhưng, thật đáng tiếc là, nhiều người trong chúng ta chẳng bao giờ trải nghiệm được niềm hạnh phúc đó. Bởi lẽ, chúng ta luôn tự cho rằng mình chẳng hề có khả năng gì cả. Nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Bất kỳ ai cũng có những khả năng riêng biệt, nhưng điều quan trọng là bản thân ta có cố gắng phát hiện ra được hay không mà thôi!

Khả năng đặc biệt của mỗi người, theo cách nghĩ thông thường, là khả năng xuất sắc trong toán học, thể thao, âm nhạc, văn chương,… Do đó, chúng ta đã lãng quên mất những khả năng khác cũng rất cần thiết cho cuộc sống. Chẳng hạn, khả năng tạo ra sự hòa hợp, thân ái giữa con người, khả năng hài hước, khả năng thuyết phục… Thế thì, tại sao chúng ta cứ luôn đề cao khả năng của người khác rồi lại tự coi rẻ khả năng của mình?

Khi tôi hai mươi tuổi, tôi chưa hề có ý thức gì về khả năng của mình. Tôi chỉ bắt đầu nhận ra khả năng của bản thân khi tôi làm công việc biên tập và tập tành viết sách. Bạn thấy đấy! Tôi là một người viết sách về đề tài sống đẹp, tôi biết mình không hề có khả năng về nghiên cứu khoa học như những nhà nghiên cứu nổi tiếng. Tôi cũng chẳng có khả năng sáng tác tiểu thuyết như những nhà văn. Thế nhưng, tôi vẫn có khả năng thấu hiểu người khác, khả năng học hỏi những kinh nghiệm sống khôn ngoan để chia sẻ với người khác… Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi nỗ lực phát huy tối đa những khả năng mình đang có và cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Tôi có một anh bạn là Jack – giám đốc phụ trách chi nhánh của một công ty lớn. Anh ta hỏi tôi về cách làm thế nào để có thể sống hạnh phúc, vì công việc hiện tại của anh thật là chán nản. Trước tiên, tôi khuyến khích anh nên dành thời gian đi nghỉ mát mỗi năm vài lần. Ngoài ra, anh nên dành thời gian tập thể dục đều dặn mỗi ngày, cố gắng đi làm về sớm hơn một chút và đừng nên ở lại công ty trễ quá! Jack đã làm theo lời khuyên của tôi, nhưng anh ta vẫn cảm thấy như mình sắp… chết đuối với công việc. Thế rồi, tình cờ tôi đọc cuốn sách “The Power of Full Engagement” (Sức mạnh của việc phát triển năng lực bản thân) của hai tác giả Jim Loehr và Tony Schwartz. Hai tác giả này chứng minh rằng, những người có thành tích cao trong cuộc sống đều là những người biết cách khai thác các sức mạnh thể chất, trí tuệ và cả cảm xúc của mình trong công việc. Nhờ đó, họ có thể vượt qua được những áp lực của công việc và tìm lại cho mình một sức sống mới, dù rằng họ vẫn làm việc vất vả chẳng kém ai!

Jack và tôi đã cùng nhau suy nghĩ về ý kiến mà hai tác giả đã đưa ra trong quyển sách đó. Như vậy, vấn đề mà Jack đang đương đầu không phải là chuyện sức khỏe hay áp lực công việc, mà rất có thể là do Jack chưa biết khai thác hết những khả năng của bản thân để hoàn thành công việc. Jack cần một công việc có nhiều thử thách hơn, chứ không phải là cần một công việc ít tốn thời gian hơn hay ít áp lực hơn. Công việc mới sẽ tạo động lực thúc đẩy Jack tự khai thác toàn bộ sức mạnh thể chất, trí tuệ và cả cảm xúc của mình để làm việc. Và rồi, Jack được tổng giám đốc thuyên chuyển sang làm việc ở một chi nhánh khác với áp lực công việc cao hơn. Từ lúc chuyển sang vị trí công tác mới, Jack đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận đối với công việc. Anh làm việc với một tinh thần hăng hái, biết tìm thấy niềm vui trong công việc và biết phát triển mọi khả năng của bản thân để có thể gặt hái thành quả mỹ mãn.

Câu chuyện của Jack thực sự là một minh chứng sống động cho sự mãn nguyện khi ta biết cách khai thác tối đa những khả năng của bản thân mình. Cả cơ thể, trí não, tâm hồn ta đều có khả năng làm việc. Vậy thì tại sao chúng ta lại chỉ khai thác cái này mà bỏ quên cái kia? Chẳng hạn, đến một ngày, bạn cảm thấy mệt mỏi với tất cả mọi thứ quanh mình: công việc, trách nhiệm, nghĩa vụ… Bạn muốn từ bỏ hết tất cả các mối quan hệ xã hội. Sở dĩ bạn rơi vào tình trạng như vậy do bạn chỉ chú trọng đến những áp lực từ đời sống thường nhật mà quên mất đời sống tinh thần của chính mình. Khi biết phát huy sức mạnh tinh thần, tâm hồn bạn sẽ trở nên thư thái, bạn sẽ cảm nhận được sự thú vị đến từ công việc cũng như từ các phương diện khác của đời sống.

Trước đây, tôi cũng không hề biết khai thác tối đa những khả năng của bản thân mình. Suốt hơn hai chục năm, tôi làm biên tập viên và cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích. Nhưng rồi, có một khoảng thời gian tôi cảm thấy chán nản đối với công việc biên tập. Sau một thời gian dài lúng túng, mất định hướng, tôi quyết định rằng mình sẽ dành thời gian để làm một số công việc khác nữa, chẳng hạn: viết sách, tư vấn khách hàng… Nhờ vậy mà tôi đã khai thác được tối đa những khả năng của mình và cảm thấy hạnh phúc hơn!

Nếu không cảm thấy hài lòng với những gì hiện có, bạn có thể tự hỏi mình những câu hỏi như: Mình cần phải làm gì để có thể lấy lại được sức sống tươi mới cho bản thân? Mình có nhất thiết phải làm thêm một công việc mới mẻ nào đó để nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm? Liệu mình đã sẵn sàng phát huy tối đa năng lực bản thân để tiếp cận với công việc mới hay chưa?

Phải gắn bó với công việc nào đó trong thời gian quá dài đôi khi cũng trở thành một áp lực đối với bạn. Dù ban đầu bạn rất yêu thích công việc đó, nhưng rồi cũng đến lúc bạn cảm thấy nhàm chán, tù túng. Trong trường hợp đó, một công việc mới sẽ đem lại cho bạn cơ hội cảm nhận những điều mới mẻ, rèn luyện những kỹ năng mới. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, hóa ra mình cũng có khả năng làm được nhiều việc khác nhau đấy chứ, kể cả những việc mà bấy lâu nay bạn ít khi nào dám nghĩ tới. Và khi mỗi người chúng ta được làm những việc mình yêu thích với tất cả sức lực thể chất, trí tuệ, cộng với cả niềm say mê, yêu thích của bản thân, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mình thật hạnh phúc!

Do vậy, tìm cách phát hiện và sử dụng khả năng của bản thân là bí quyết then chốt cho hạnh phúc cá nhân của mỗi người. Thành công trong cuộc đời bạn phụ thuộc vào những khả năng bạn có, và quan trọng hơn, vào cách bạn phát huy tối đa khả năng của mình. Chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: “Tôi đang làm công việc của tôi với nỗ lực cao nhất để tạo ra thành quả tốt nhất. Chỉ có như vậy, tôi mới vươn tới tầm xuất sắc!”.

Trích Hạnh phúc không khó tìm - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Nguồn: Tuổi trẻ