Góc cảm nhận

Nơi chia sẻ của khách hàng - những người bạn đã đồng hành và sử dụng sản phẩm của Khai Phá Bản Thân

Xem thêm

Kết nối

lạ quen

Tổng kết Con Mắt Nhị Phân, kỳ 4: Lạ – Quen

Thảng hoặc, trong đời sống, ta cảm thấy lạ lẫm. Lạ lẫm ký ức. Lạ lẫm thói quen. Lạ lẫm nỗi buồn. Lạ lẫm những niềm vui. Lạ lẫm cả với thân này. Lạ lẫm bất thần từ những dồn dập của cảm xúc, lạ lẫm bước ra từ những gẫy đổ của ái tình hay nhen nhóm từ những ngập ngừng của đôi chân mỏi mệt hoặc đơn giản chỉ là lạ lẫm với những chai lặng cảm xúc. Phải chăng ta đang lạc lối?

Và ở thái cực còn lại, đôi ta khi bắt gặp một hình ảnh, cảnh vật, con người tuy xa lạ, mới biết nhưng lại cảm giác vô cùng thân quen. Đây có thể là những trải nghiệm của một cảm giác chắc chắn rằng đã từng chứng kiến hay đã sống qua một hoàn cảnh đã xảy ra trước đây, mặc dù không thể biết chắn chắn các trường hợp ấy đã xảy ra lúc nào. Liệu rằng có phải cơ duyên đang đến với chúng ta?
Chương trình Con Mắt Nhị Phânkỳ 04 – chủ đề “Lạ Quen”diễn ra vào chủ nhật, 26/08/2012 đã gợi mở 3 góc nhìn dựa trên mức độ nhận thức để giải mã những cảm giác Lạ-Quen trong cuộc sống hàng ngày.Ở góc độ thứ nhất, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thức, hiểu được lý do tại sao có cảm giác thân thuộc hay lạ lẫm trước hoàn cảnh, sự vật hay con người nào đó. Chính những giá trị chúng ta xác lập cho bản thân đã chi phối cảm giác của mỗi chúng ta. Giá trị đó chính là nguyên tắc sống, lẽ sống, mục đích tồn tại, niềm tin và những yếu tố mà ta sống chết để bảo vệ. Giữa hai người có cùng giá trị sẽ dễ dàng “cộng hưởng” tạo ra cảm giác thiết thân, dù chỉ mới gặp nhau lần đầu. Trong tình yêu cũng vậy, chúng ta sẽ dễ lầm lẫn ở cảm giác nồng cháy ban đầu nhưng nếu cả hai có quá nhiều giá trị quan trọng khác nhau thì cám giác lạ lẫm, chán chường có thể gây nên đổ vỡ. Hơn hai mươi bạn tham gia chương trình đã đưa ra mười mấy giá trị quan trọng trong tình yêu mà mình cho là quan trọng nhất, do đó có thể khẳng định rằng cùng giá trị thì dễ dàng giao cảm với nhau hơn. Tuy nhiên, cảm giác Lạ-Quen không phải lúc nào bản thân chúng ta có thể nhận thức, xác lập và giải thích được. Đôi khi nó là sự thôi thúc trong tiềm thức mà ta rất khó điều khiển. Điều này được giài thích qua góc nhìn thứ 2: góc nhìn Phân Tâm học.Phân Tâm học là tập hợp những lý thuyết và liệu pháp tâm lý học được BS người Áo Sigmund Freud công bố vào cuối thế kỷ 19. Ông phân loại mọi hoạt động tinh thần của mỗi nhân con người được thể hiện thành ba cấp độ được ông gọi là Tự Ngã; Bản Ngã, và Siêu Ngã. Tự Ngã là nơi trú ngụ của những bản năng nguyên thủy, của những ham muốn bất chấp hậu quả, là bản chất thú trong mỗi con người. Bản ngã chính là nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh, là giá trị mà chúng ta xác lập thông qua quá trình đào tạo và trải nghiệm khi tiếp xúc với cộng đồng. Siêu ngã chính là lương tâm và đạo đức. Cái Tự Ngã và Siêu Ngã vốn vô thức, chúng ta khó có thể chạm tới hay điều khiển được nó. Cái Bản Ngã là “viên trọng tài giữa những đòi hỏi bạt mạng của cái Tự Ngã và sự kiểm soát của thế giới bên ngoài”, nói cách khác, bản ngã giúp chúng ta điều chỉnh hành vi cho phù hợp với những qui định của xã hội như tập quán, luật pháp…

Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều lúc Tự Ngã chi phối cám giác của mỗi người, khiến họ làm một công việc mà chắc rằng nếu nhận thức được họ sẽ không bao giờ làm. Một con người có thể làm sai qui trình làm việc thông thường anh ta vẫn làm đúng hàng ngày thì bởi cái Tự Ngã của anh ta được gợi ra ý niệm rằng anh ta đang làm một việc vô ích. Hiện tượng “Dejà Vu” tức là cảm giác thân thuộc khi chúng ta ở một nơi mà chúng ta chưa hề biết đến bao giờ, cũng có thể giải thích bằng Phân Tâm học. Cảnh vật chúng ta đang nhận thức có từng bộ phận đã được chúng ta thấy, ấn tượng từ trước, lưu dấu trong tiềm thức, nói cách khác, nó là tập hợp của nhiều mảnh vụn ký ức. HIện tượng “tiếng sét ái tình” cũng giải mã được rằng có những hình ảnh, mùi hương đã ghi dấu rất mạnh trong tiềm thức (cái Tự Ngã) từ thời thơ ấu, khiến chúng ta cố gắng tìm kiếm lại nó trong tình yêu và khi bắt gặp, một cảm giác thân thuộc, nồng cháy quá đỗi trỗi dậy mạnh mẽ gây nên “tiếng sét ái tình”.Làm thế nào để có thể hạn chế cảm xúc Lạ-Quen không mong muốn? Hãy dùng cái Bản Ngã của chính mỗi người để nhận thức sự việc khách quan, cân nhắc từng hành động, lưu ý đến trách nhiệm của mỗi cá nhân với cuộc đời. Anh Khắc Huy chia sẻ rằng Bản Ngã chỉ có thể giúp chúng ta cân bằng cảm xúc nếu nó được minh định sáng suốt, được tôi rèn qua học tập, kinh nghiệm và nhất là có môi trường tư duy thoải mái.

Ớ góc nhìn còn lại, Lạ-Quen chúng ta hoàn toàn không giải thích được bằng lý tinh mà phải nêu ra khái niệm mới có tinh chất tâm linh: Duyên, Nghiệp, Tiền kiếp. Tôn giáo của Phương Đông cho rằng, chúng ta gặp nhau, thân nhau hay gặp một hiện tượng, một biến cố, thậm chí là ăn được một món ăn ngon là do có duyên từ tiền kiếp. Sau khi chết, con người sẽ đầu thai chuyền kiếp sang một cuộc sống hoàn toàn mới, những việc chưa làm xong, những nợ nần của kiếp trước, kiếp này sẽ trả tiếp cho đến hết mới thôi. Có những trường hợp đã đầu thai nhưng vẫn còn lưu giữ những kí ức của kiếp trước (ví dụ như hiện tượng “con lộn”). Các nhà khoa học đã cố gắng giải thích hiện tượng tiền kiếp nhưng hầu như chưa đạt được kết quả mong muốn. Đối với Phương Tây, tôn giáo quan niệm mỗi người có linh hồn, khi chết linh hồn sẽ rời khỏi thể xác. Điều đó được ghi nhận trong những ca chết lâm sàng, người chết khi được cấp cứu hồi tỉnh có thể diễn tả lại từng hành động của nhân viên y tế khi sơ cứu như một người chứng kiến đứng ở đầu giường bệnh nhân. Lịch sử cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp tiên tri trước sự việc hiện tượng như là người đó đang sống trong thời tương lai để kể lại sự việc. Rõ ràng cảm giác Lạ-Quen trong trường hợp này không thể giái thích được bằng nhận thức. Bạn Thanh Nguyên cho rằng, tôn giáo, tâm linh chỉ nên là điềm tựa tinh thần đề từ đó chúng ta có thể sống tốt, sống đẹp, sống cống hiến cho xã hội. Chúng ta biết chúng ta đang là ai, hãy sống vì điều đó, đừng quan tâm chúng ta đã từng ra sao, như thế nào là tinh thần mà chị Diệu Huyền muốn chia sẻ thông qua góc nhìn tâm linh.

Như định hướng từ đầu của chương trình, Con Mắt Nhị Phân không đưa ra kết luận chung mà chỉ mở ra những góc nhìn, thính giả tham gia sẽ có kết luận riêng cho bản thân mình dựa trên những hiểu biết và cảm xúc riêng. Tuy nhiên, ở cuối chương trình này chia sẻ của anh Quốc Khánh đã được nhiều bạn tán thưởng, đó là hãy sống đúng với Bản Ngã của mỗi người, sống thật với chính bản thân, đừng đỗ lỗi cho cảm xúc, cho vô thức mà phải nhìn nhận rõ những sai lạc kém cỏi của mình mà sửa chữa và làm tròn trách nhiệm của mỗi người vời chính mình, với cuộc đời.

Con Mắt Nhị Phân kỳ 04 chủ đề “Lạ-Quen” đã kết thúc với nhiều cảm xúc, BTC chương trình hẹn gặp lại và mong muốn sự ủng hộ nhiều hơn từ các bạn ở chương trình kỳ sau với chủ đề chắc chắn rằng mỗi chúng ta đều phải đối mặt: “Biên”.
P.V